Saturday, 20/04/2024 - 19:53|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Tư Mại

Đánh thức trái tim

     “Nhà tôi rất nghèo. Cha mẹ tôi vất vả, tảo tần một nắng hai sương trên cánh đồng khuya sớm, không quản nắng mưa nuôi chị em tôi lớn khôn. Là chị cả trong nhà, tôi càng thấm thía nỗi gian lao, nhọc nhằn của cha mẹ. Không có tiền để đi học thêm như bạn bè cùng trang lứa, tôi tìm đến sách như một vị cứu tinh. Sách vừa là bạn lại vừa là thầy. Những gì tôi có được ngày hôm nay chính là nhờ đọc sách. Trang sách tuổi thơ đã giúp tôi đã đạt được ước mơ…”

    (Trích lời tâm sự của cô Chu Thị Yến - Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Tân Dân, tại hội nghị công chức - viên chức năm học 2019-2020)

    Nghe những lời chia sẻ của chị mà khóe mắt tôi rưng rưng. Lời tâm sự ấy đã đưa tôi trở về quá khứ, trở về với kí ức tuổi thơ. Lúc ấy, khi đất nước đã bước vào cuộc cách mạng 3.0 thì quê tôi vẫn ngọn đèn dầu leo lét. Đúng là:“Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Tuổi thơ tôi cũng nghèo, cũng gắn liền với ruộng đồng, gắn liền với những trang sách hiếm hoi. Không có tiền mua sách tôi tìm đến thư viện của nhà trường, của xã hoặc mượn của bạn bè. Lúc chăn trâu hay trước khi đi ngủ, trên tay tôi bao giờ cũng là một cuốn sách. Cho dù có những cuốn tôi đã đọc rất nhiều lần.

Tôi giới thiệu cuốn sách hay trong thư viện

    Những bộ sách kinh điển như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Hồng lâu mộng (Tào Tuyết Cần), Thủy hử (Thi Nại Am) hay Tây du kí (Ngô Thừa Ân)… tôi đều tìm đọc. Mỗi một cuốn sách là kho kiến thức vô cùng quý báu. Tôi đọc và nghiền ngẫm. Tôi còn nhớ mãi lần chị tôi mang về cho tôi cuốn “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Câu chuyện là một bản anh hùng ca, mang đậm tính nhân văn. Đọc tác phẩm, tôi như mở ra một chân trời mới. Chân trời ấy vừa là tri thức lại vừa là tình yêu cuộc sống. Để tồn tại và chung sống, cậu bé Star đã phải đương đầu với đói, khát, thú dữ trên sa mạc và chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Trong hành trình chạy trốn khỏi những kẻ buôn bán nô lệ, cậu còn giải thoát cho những mảnh đời cùng cảnh ngộ. Câu chuyện đã làm tôi thật sự xúc động. Bởi trong đó chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương đồng loại vô bờ… Rồi biết bao cuốn sách làm thức tỉnh trái tim tôi. Có lẽ chính những trang sách ấy đã làm cho tôi mở mang tri thức, biết rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, biết xót xa, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh.

Description: E:\Download\20191003_151810.jpg

Khơi gợi cho các em niềm đam mê đọc sách

    Ngày nay, đất nước ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ tới mọi lứa tuổi. Từ già đến trẻ, bất cứ ở đâu, ta cũng bắt gặp hình ảnh họ cầm chiếc điện thoại trên tay, chăm chú lướt facebook, zalo, vào mạng… vẻ mặt thờ ơ, lãnh cảm với thế giới xung quanh. Bỏ qua hết những ánh mắt, những nụ cười hay cả sự đau đớn bên cạnh mình. Mọi thứ trong ánh mắt họ có thể diễn tả bằng đúng một từ, đó là “lướt”, đọc lướt, cảm nhận lướt, mọi cảnh vật và con người xung quanh cũng lướt nhanh. Bởi những hình ảnh, âm thanh mà họ thấy được sẽ chỉ là thoảng qua, chẳng có gì đọng lại được lâu, nên mọi thứ trở nên nhạt nhòa, dễ quên. Chẳng giống như khi ta đọc, ta “nhâm nhi” từng câu, từng từ trong trang sách. Câu từ ấy sẽ ngấm vào trong tâm hồn ta, trái tim ta, làm cho ta rung động.

    Chúng ta đều biết, phát triển văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Vì vậy, rất cần khơi gợi lại văn hóa đọc cho tất cả mọi người. Đặc biệt, với những người làm công tác giáo dục, việc phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh là vô cùng quan trọng. Cảm nhận được điều đó, năm học 2019-2020, trường tiểu học Tân Dân đã đặc biệt chú trọng tới việc hình thành và phát triển văn hóa đọc cho các em và cho cả các thầy cô giáo, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của năm học, là điểm nhấn của nhà trường.

Thư viện nhỏ của lớp tôi

    Đồng thời, xuất phát từ thực tế học sinh lớp tôi chủ nhiệm, tôi nhận thấy đây là một việc làm vô cùng quan trọng và cấp thiết. Từ việc lười đọc mà vốn từ của các em rất nghèo nàn, khả năng sử dụng ngôn ngữ của các em hạn chế, dẫn đến việc tiếp cận kiến thức, tiếp nhận yêu cầu bài học còn rất chậm. Vì thế, các em luôn mất tự tin khi chia sẻ, cộng tác, khi nói trước đông người. Do vậy, ngay từ buổi họp phụ huynh học sinh đầu tiên của lớp, tôi đã nêu lên những băn khoăn, trăn trở đó của mình và được các bậc cha mẹ học sinh rất đồng tình. Họ đều phản ánh rằng: khi ở nhà, các con hầu như rất hiếm khi đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách dày, nhiều chữ, các con thích chơi điện thoại, xem hoạt hình, chơi trò chơi, nếu có đọc cũng chỉ đọc truyện tranh - nhiều hình, ít chữ. Chính vì vậy, tôi và các bậc cha mẹ học sinh thống nhất cùng nhau hình thành thói quen đọc sách cho các em ở nhà và ở trường. Mỗi gia đình sẽ sắm cho các con một giá sách để cha mẹ đọc cùng các con mỗi khi rảnh rỗi. Thư viện lớp sẽ bổ sung thêm sách để dùng chung. Cô và trò cùng nhau góp sách, cùng nhau đọc và chia sẻ.

    Tôi đặc biệt thích hình ảnh mỗi sớm ban mai, thầy cô cùng các em đọc sách trên sân trường. Ai đó mới bước vào sẽ ngỡ rằng trường tôi đang trong ngày hội đọc. Không, đây là buổi đọc sách đầu giờ vào sáng thứ 3 và thứ 5 của chúng tôi đấy! Từng nhóm đọc rồi trao đổi với nhau về cuốn sách mình đọc một cách hăng say. Tất cả như xích lại gần nhau hơn. Cô và trò trở thành bạn lúc nào không hay biết. Bởi những lúc cùng ngồi đọc, cùng chia sẻ hay tranh luận,… đã xóa đi khoảng cách “lớn- nhỏ”, “thầy- trò”. Đọc sách cùng nhau sẽ giúp thầy cô chạm đến trái tim các em gần gũi và dễ dàng hơn.

Đọc sách đầu giờ của cô và trò trường tôi

    Rõ ràng muốn “đánh thức” được văn hóa đọc cho các em thì chính chúng ta phải là người “thức sớm”“dậy  trước”. Mỗi thầy cô nên tự tạo cho mình thói quen đọc sách .Vì vậy, ở trường, tôi và đồng nghiệp thường cùng nhau đọc sách hoặc chia sẻ về những cuốn sách hay mà mình đã đọc được. Ở nhà, tôi luôn luôn dành một lượng thời gian trong ngày cho việc đọc một điều gì đó, cho dù nhiều hay ít. Trong mỗi tiết học, bao giờ tôi cũng lồng ghép vào bài giảng những câu chuyện, hay những bài học mà tôi rút ra từ cuốn sách tôi đã đọc. Nào là những tấm gương kiên trì vượt khó, nào là những danh nhân hay anh hùng dân tộc… gắn liền với nội dung bài học, tình huống sư phạm. Đồng thời tôi giới thiệu cho các em cách tìm đọc những cuốn sách đó. Chẳng hạn trong giờ Lịch sử, khi dạy về đất nước Âu Lạc, tôi kể cho các em nghe câu chuyện Mị Châu - Trọng Thủy. Các em rất thích thú và chăm chú lắng nghe. Hôm sau, khi học tiết đọc thư viện, rất nhiều em đã tìm đến những câu chuyện lịch sử như: An Dương Vương, Cờ lau dựng nước hay Lá cờ thêu sáu chữ vàng,…mà không phải là những cuốn truyện tranh, những cuốn sách sặc sỡ sắc màu như trước. Nhìn những cuốn sách đó trên tay các em, trong lòng tôi rất vui.

Tôi đọc sách cùng các em giờ ra chơi

      

Một buổi sinh hoạt lớp

    Trước đây, việc đọc sách của các em chỉ tập trung ở tiết đọc thư viện và việc mượn sách từ thư viện. Nhưng bước sang năm học này, ngoài việc tổ chức tốt tiết đọc thư viện, tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các em đọc sách mọi lúc mọi nơi. Giờ sinh hoạt dưới cờ, các bạn rất hào hứng khi được chia sẻ về cuốn sách mình thích nhất đã đọc trong tuần. Ở lớp, trong giờ kể sinh hoạt, tôi cũng thường xuyên tổ chức cho các em thi giới thiệu sách. Bạn nào cũng muốn được chia sẻ. Hết giờ, lại có tiếng thở dài: “Chán thế, mình chẳng được kể về cuốn sách của mình”. Nghe tiếng thở dài ấy tôi cảm thấy thật hạnh phúc, xen lẫn chút băn khoăn, tiếc nuối. Tôi chia sẻ điều băn khoăn ấy với chị Yến. Chị bảo: “Nếu các bạn ấy không có thời gian để nói thì mình hãy cho các bạn ấy cơ hội được viết ra đi!”. Từ gợi ý của chị mà cuốn “Nhật kí đọc sách” của mỗi bạn đã ra đời. Các em sung sướng ghi vào đó rồi truyền tay nhau cuốn nhật kí mà không cần giữ bí mật của mình. Những ánh mắt hồn nhiên và nụ cười thật rạng rỡ khi được bạn bè biết về cuốn sách mình đã đọc, nhân vật mà mình yêu thích,…

    Trong mỗi trang nhật kí chứa đựng cả nụ cười và những giọt nước mắt. Nụ cười vui sướng là khi các em bắt gặp cô Tấm hiền lành bước ra từ quả thị, trở lại làm người và còn xinh đẹp hơn xưa. Nước mắt là khi nhìn thấy ông lão đánh cá khốn khổ, lủi thủi một mình đi ra biển tìm gặp cá vàng, trước những con sóng ầm ầm, giận dữ của biển cả, mà mụ vợ lão lại muốn làm nhất phẩm phu nhân… Có lẽ chính những trang sách đã làm cho trái tim các em biết yêu và ghét. Nhờ được thường xuyên chia sẻ trước nhóm, trước lớp, trước toàn trường, các em đã trở nên mạnh dạn và tự tin lên rất nhiều khi học các môn học khác.

Bạn Chu Nhật Minh tự tin chia sẻ cuốn sách trong giờ chào cờ

Description: E:\Download\20191003_151912.jpg

Khoảng cách cô và trò xích lại gần hơn

    Những trang sách hay đã mở ra cho các em một thế giới muôn màu, hướng các em biết yêu cái đẹp, biết cảm thụ cái đẹp. Đánh thức được trái tim gần như vô cảm của các em. Sẽ không còn đâu đó trong thùng rác là những chiếc bánh mì mới ăn một nửa hay cả hộp xôi buổi sáng mẹ thức dậy sớm để nấu và gói cho. Thay vào đó là trái tim biết yêu thương, kính trọng và biết ơn. Muốn làm được điều đó là cả một quá trình dày công vun đắp. Thầy cô, cha mẹ cần luôn đồng hành và tạo cơ hội cho các em vừa được “đọc sách” vừa được “nghe sách”, hướng dẫn các em cách lựa chọn những cuốn sách theo từng chủ đề, từng thời điểm, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, phù hợp với nội dung học tập và rèn luyện của các em. Với tình yêu nghề, yêu sách, chúng ta chắc chắn sẽ khơi dậy được văn hóa đọc cho các em, sẽ đánh thức được trái tim đong đầy cảm xúc của các em.

                                                                                                    Nguyễn Thị Hoa - GV trường tiểu học thị trấn Tân Dân     

Lượt xem: 11.856
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 26
Hôm qua : 21
Tháng 04 : 247
Năm 2024 : 2.368